Tích cực ứng dụng tự động hóa trong khâu sàng tuyển than

Công tác cơ giới hóa các khâu bốc rót, pha trộn than được triển khai theo hướng băng tải hóa; không tiến hành sàng tuyển than nhỏ lẻ, thủ công tại các kho cảng, bến xuất than, nhằm tăng năng suất lao động, giảm ô nhiễm môi trường.

Thời gian qua, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có nhiều cố gắng trong việc tập trung đầu tư, hoàn thiện hệ thống sàng tuyển than theo hướng tự động hóa, nhằm nâng cao cả về sản lượng và chất lượng sàng tuyển, pha trộn than theo nhu cầu của thị trường.

Với mục tiêu hoàn thiện hệ thống sàng tuyển, chế biến than tại các mỏ và các nhà máy tuyển để nâng cao chất lượng than, đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng hệ số thu hồi, giảm chi phí vận chuyển than, đất đá… Những năm gần đây, TKV đã chỉ đạo các đơn vị thành viên đầu tư phù hợp các hệ thống sàng tuyển than tại các mỏ để tuyển các loại than xấu, bã sàng, đất đá lẫn than, nhằm nâng cao chất lượng và hệ số thu hồi than. Công tác cơ giới hóa các khâu bốc rót, pha trộn cũng được triển khai theo hướng băng tải hóa; không tiến hành sàng tuyển than nhỏ lẻ, thủ công tại các kho cảng, bến xuất than, nhằm tăng năng suất lao động, giảm ô nhiễm môi trường.

Được biết, Công ty Tuyển than Cửa Ông là một trong những đơn vị làm tốt công tác đầu tư duy trì sản xuất. Các công trình xây dựng cơ bản được tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện hoàn thành với giá trị đầu tư đạt trên 132 tỉ đồng. Trong đó, đáng chú ý là hai công trình trọng điểm: Dự án hệ thống tự động hóa Phân xưởng Kho bến 2 và Dự án Hệ thống xử lý cấp hạt mịn trong các nhà máy tuyển, được gắn biển chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống Công nhân vùng Mỏ – Truyền thống ngành than 12-11 (1936-2016). Trong năm nay, theo kế hoạch công ty dự kiến mua hơn 10 triệu tấn than sạch, tiêu thụ trên 9 triệu tấn, doanh thu bán than 12.768 tỉ đồng, phấn đấu đạt tỷ lệ thu hồi 86,75%.

tich-cuc-ung-dung-tu-dong-hoa-trong-khau sang-tuyen-than
Dây chuyền sàng tuyển than hiện đại tại Công ty Tuyển than Cửa Ông

Năm 2017, thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn về tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, Công ty Tuyển than Cửa Ông đã và đang tích cực đưa tự động hóa vào các khâu trong dây chuyền sàng tuyển. Công ty đã chủ động đẩy nhanh tiến độ tự động hóa, cơ giới hóa các dây chuyền sản xuất theo lộ trình phát triển đã đề ra. Ngoài ra, đơn vị còn áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý sản xuất kinh doanh, đồng thời triển khai các dự án đầu tư phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, điều kiện thực tiễn đảm bảo đúng tiến độ chất lượng và hiệu quả theo hướng hiện đại. Bên cạnh đó, trong công tác quản lý kỹ thuật, công ty làm tốt các nhiệm vụ như: Duy trì ổn định công nghệ các nhà máy tuyển, các khâu vận tải, tiêu thụ; phối hợp tốt với khâu điều hành sản xuất; tăng cường công tác duy tu bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên các thiết bị; thực hiện tốt công tác sửa chữa lớn đảm bảo duy trì ổn định thiết bị và các khâu trong dây chuyền sản xuất; thực hiện tốt quy trình vận hành các nhà máy tuyển than đảm bảo hoạt động ổn định, đáp ứng tốt cả khi sản xuất ở mức độ cao v.v…

Công ty Than Cao Sơn cũng rất chú trọng công tác đầu tư, hiện đại hóa dây chuyền sàng tuyển của nhà máy với hệ thống điều khiển biến tần Hitachi SJ700. Dự án được triển khai với 45 biến tần trang bị cùng 6 cụm điều khiển riêng rẽ cho các khâu công nghệ của nhà máy: sàng tuyển, băng tải… Sau khi chuyển sang hệ thống mới, năng lượng tiêu thụ đã giảm 40-45%, tức cứ 1 giờ hoạt động với hệ thống tủ điện biến tần mới, Công ty Than Cao Sơn đã tiết kiệm được khoảng 350-400kW, góp phần tiết kiệm chi phí nâng cao hiệu quả kinh tế cho mỏ than. Bên cạnh đó, việc sử dụng biến tần góp phần nâng cao tuổi thọ của hệ thống băng tải, động cơ, đồng thời tạo thêm nhiều thuận lợi cho người vận hành trong quá trình sản xuất.

Cùng với đó, Tập đoàn đã đưa vào vận hành ổn định, hiệu quả hệ thống vận tải than Lép Mỹ – Cảng Km6, góp phần tối ưu hóa công tác vận chuyển than, đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng các chủng loại than qua sàng tuyển và đảm bảo phù hợp quy hoạch phát triển đô thị vùng than, quy hoạch giao thông, cảng biển, yêu cầu bảo vệ môi trường TP Cẩm Phả. Dự án do Công ty TNHH MTV Môi trường – TKV khởi công từ tháng 11-2015, tổng mức đầu tư 651 tỉ đồng. Hệ thống băng tải vận chuyển than từ mặt bằng +75 cửa lò tuynel Nam Tây Khe Sim – Cảng Km6 gồm 10 băng tải rộng 1,2m, qua 9 trạm chuyển tải có tổng chiều dài toàn tuyến là 4.531m, công suất vận chuyển than 720 tấn/giờ; cùng nhiều trang thiết bị, như hệ thống điều khiển, thông tin liên lạc, truyền hình công nghiệp…; các công trình phụ, như đường giao thông nội bộ, sân vườn, cảnh quan cây xanh, các hệ thống kè bảo vệ thoát nước…

Riêng đường lò tuynel Tây Khe Sim dài gần 2km được Công ty Than Dương Huy – TKV sử dụng vận tải than bằng tàu điện gần 20 năm nay, đã được Công ty TNHH Môi trường – TKV cho cải tạo, chống xén, lắp đặt rãnh thoát nước, đổ bê tông nền đường lò, đảm bảo rộng rãi, khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát; hệ thống đèn chiếu sáng được lắp đặt, đảm bảo an toàn cho công nhân đi lại vận hành, kiểm tra và sửa chữa.

Theo chỉ đạo của TKV, công tác đổi mới công nghệ, tự động hóa tối đa các công đoạn của khâu sàng tuyển than để giảm lực lượng lao động là một trong những yêu cầu cấp thiết đặt ra. Năm 2017, Tập đoàn chỉ đạo đầu tư phù hợp các hệ thống sàng tuyển than tại các mỏ để tuyển các loại than xấu, bã sàng, đất đá lẫn than nhằm nâng cao chất lượng và hệ số thu hồi than. Công tác cơ giới hóa các khâu bốc rót, pha trộn cũng được triển khai theo hướng băng tải hóa. Không tiến hành sàng tuyển than nhỏ lẻ, thủ công tại các kho cảng, bến xuất than. Đối với các nhà máy sàng tuyển than mới, như Nhà máy Tuyển than Khe Chàm, Nhà máy Tuyển than Vàng Danh 2, sẽ đầu tư theo hướng tự động hóa đồng bộ một cách tối đa.

Với các nhà máy đang hoạt động, như Nhà máy Tuyển than Cửa Ông, Nhà máy Tuyển than Vàng Danh 1, tiếp tục phục hồi tự động hóa các khâu vận hành liên động của nhà máy, hoàn thiện công tác xử lý bùn nước, bã sàng, đầu tư các hệ thống tự động hóa, đo lường tự động hóa và điều khiển tập trung… Có thể nói, việc đầu tư đồng bộ hệ thống sàng tuyển, vận tải than theo hướng tự động có ý nghĩa quan trọng thực hiện chiến lược phát triển của TKV, giải quyết nhu cầu than cho nền kinh tế quốc dân và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Điều này thể hiện quyết tâm của TKV trong việc triển khai các cam kết với tỉnh Quảng Ninh, đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ môi trường cho nhân dân địa phương, đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh mà Tập đoàn đang nỗ lực thực hiện.

(Theo Báo Petrotimes)